Tự lập ở Kinh châu Lưu_Bị

Giao tranh với Tào Tháo ở Đương Dương Tràng Bản

Bài chi tiết: Trận Trường Bản

Tháng 9 năm 208[34], Lưu Biểu qua đời giữa lúc quân Tào đang áp sát Kinh châu. Thấy quân Tào lại gần, Lưu Bị vẫn chưa biết Lưu Biểu đã chết, vội bỏ Tân Dã rút về Phàn Thành và sai sứ cấp báo về Tương Dương cho Lưu Biểu.[56]

Con út Lưu Biểu là Lưu Tông được lập lên kế vị làm Châu mục Kinh châu. Theo lời khuyên của Sái Mạo, Khoái Việt và Phó Huấn, Lưu Tông quyết định đầu hàng Tào Tháo, nhưng không dám báo ý định này cho Lưu Bị biết.[57] Tào Tháo tiếp nhận thư hàng của Lưu Tông, liền thúc quân tiến vào Uyển Thành thuộc quận Nam Dương. Lúc đó Lưu Tông mới sai Tống Trung sang Phàn Thành báo cho Lưu Bị biết.[57]

Nghe lệnh của Lưu Tông bắt mình phải cùng hàng Tào Tháo, Lưu Bị kinh ngạc và tức giận, quát đuổi Tống Trung. Biết mình không thể lấy lực lượng nhỏ ở Phàn Thành để chống đại quân Tào, Lưu Bị cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ dẫn các tướng sĩ bỏ chạy về phía nam. Ông sai Quan Vũ mang 1 vạn quân thủy, rút về Giang Hạ để hợp binh với Lưu Kỳ đang trấn thủ tại đây; còn Lưu Bị đi cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Triệu Vân, Trương Phi và đại bộ phận các tướng văn võ với cánh quân bộ qua Tương Hà, định đi tới chỗ hiểm yếu Giang Lăng là nơi chứa lương thực và vũ khí của Kinh châu. Hơn 10 vạn dân Kinh châu không muốn hàng Tào Tháo cũng đi theo đoàn quân bộ của Lưu Bị.[58]

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Gia Cát Lượng bắt đầu trổ tài dùng binh, đánh bại quân Tào 2 trận ở Bác Vọng và Tân Dã. Thực ra, trận Bác Vọng là do Lưu Bị tự đánh vào năm 204, còn trận Tân Dã không có thật.[59] Ngoài ra Tam Quốc diễn nghĩa còn hư cấu rằng Từ Thứ ra đi mới tiến cử Gia Cát Lượng. Thực tế hai người cùng cộng sự dưới trướng Lưu Bị trong nửa năm.

Khi đi ngang qua Tương Dương, nhiều quan lại và dân chúng quyết định chạy nạn theo Lưu Bị. Gia Cát Lượng bèn khuyên ông đánh úp Tương Dương, chắc chắn Lưu Tông sẽ không chống đỡ nổi, nhưng ông không nghe theo, chỉ nói vọng vào thành mấy câu trách Lưu Tông rồi tiếp tục đi về phía nam.[60] Hàng vạn dân Kinh châu ở khu vực Tương Dương cũng sợ bị Tào Tháo tàn sát nên bỏ Lưu Tông theo Lưu Bị, vì vậy số người đi theo ông về phía nam lên tới hơn chục vạn, với hàng ngàn cỗ xe.[31][61]

Tào Tháo tiến thẳng tới thủ phủ Tương Dương để tiếp nhận Lưu Tông đầu hàng. Lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, Tào Tháo vội lấy 5000 quân kỵ binh tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo, mỗi ngày đêm đi được 300 dặm.[62]

Lưu Bị dẫn đám đông quân lẫn với dân, chạy loạn rất lộn xộn, không thành hàng ngũ, lại không thể đi nhanh dù biết Tào Tháo đang truy kích. Mỗi ngày đoàn quân của ông chỉ đi được hơn 10 dặm. Phía trước còn 300 dặm đường mới tới Giang Lăng. Lưu Bị phải bố trí lại lực lượng, sai Trương Phi mang 2000 quân mã chặn hậu, Triệu Vân dẫn vài trăm quân hộ vệ gia quyến; còn ông cùng Gia Cát Lượng và Từ Thứ dẫn quân chủ lực bảo vệ dân tị nạn. Có người khuyên ông dẫn quân khinh kỵ đi trước tới Giang Lăng, nhưng ông nhất định không bỏ dân chúng, cho rằng muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc.[61]

Các sử gia chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm “lấy dân làm gốc” thời Lưu Bị và sau này. Quan điểm thời đó không coi dân là “căn bản” mà coi dân là “vốn liếng”, là có những người bên cạnh sử dụng, sai khiến.[63]

Tào Tháo thúc quân khinh kỵ ngày đêm đuổi riết. Khi Lưu Bị đi tới Đương Dương – Tràng Bản thì quân Tào đuổi tới nơi, đụng độ với hậu đội của Lưu Bị do Trương Phi chỉ huy. Quân Tào đông hơn nhiều lại tinh nhuệ, đã đánh tan hậu đội của Trương Phi và tấn công vào quân chủ lực của Lưu Bị cùng dân chúng.[64]

Quân Lưu Bị tuy đông hơn quân Tào, nhưng do phải dàn trải để canh giữ cho dân chạy nạn nên không thể tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề để nghênh chiến, bị Tào Tháo tấn công dữ dội nên tan vỡ. Lưu Bị thất bại nặng nề, cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Trương Phi và mấy chục khinh kỵ bỏ chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ quân trang nặng, gia quyến và dân chúng.[64][65][66][67][68]

Quân dân Lưu Bị thua chạy tan tác mỗi người một nơi. Lưu Bị lạc mất Triệu Vân, nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng Triệu Vân trung thành với mình. Ông sai Trương Phi mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào. Quả nhiên sau đó Triệu Vân đột phá vòng vây, cứu được Cam phu nhânA Đẩu về. Lưu Bị vô cùng cảm kích.[69]

Tam quốc diễn nghĩa mô tả việc Triệu Vân phá vây cứu A Đẩu rất ly kỳ hấp dẫn. Bà vợ Lưu đi cùng A Đẩu lại không phải Cam phu nhân (mẹ đẻ A Đẩu) mà là My phu nhân (vợ thứ Lưu Bị). My phu nhân trao A Đẩu cho Triệu Vân rồi tự sát để khỏi vướng chân ông. Khi trở về, Lưu Bị đã vứt A Đẩu xuống đất mắng: “Vì mày suýt nữa ta mất một đại tướng!”.

Quân Tào Thuần truy kích đuổi đến nơi. Một mình Trương Phi hùng dũng đứng trên cầu cầm xà mâu, không ai trong quân Tào dám tiến lên giao phong.[70] Nhờ đó Lưu Bị cùng các thủ hạ chạy thoát đến Hán Tân.

Liên minh với Tôn Quyền đánh trận Xích Bích

Cục diện Trung Quốc sau trận Xích Bích

Tào Tháo lấy mục tiêu chiếm Giang Lăng làm đầu, nên thúc quân tiến đến nắm giữ nơi đó, bỏ Lưu Bị không truy sát nữa.[71] Do Tào Tháo đã chặn đường đi Giang Lăng, Lưu Bị chỉ còn cách đi sang phía đông để hội quân với Quan Vũ và Lưu Kỳ ở Hạ Khẩu. Thất bại Đương Dương Tràng Bản khiến lực lượng Lưu Bị bị tổn hại nặng nề, mất nhiều người và binh khí, quân trang.[62]

Đúng lúc đó sứ giả của Tôn QuyềnLỗ Túc cũng sang Kinh châu để thăm dò tình hình. Nghe tin quân Tào đã chiếm Kinh châu và Lưu Bị chạy đến Đương Dương, Lỗ Túc vội ngày đêm đi gấp tìm đến Đương Dương gặp Lưu Bị, đề nghị liên kết cùng chống Tào Tháo. Gợi ý của Lỗ Túc cũng rất hợp với Long Trung sách mà Gia Cát Lượng đã vạch ra. Vì vậy theo ý kiến của Gia Cát Lượng, ông cử Gia Cát Lượng sang sứ Giang Đông liên kết với Tôn Quyền cùng chống Tào.[1]

Tôn Quyền ngả theo chủ trương của Chu Du và Lỗ Túc, quyết định liên minh với Lưu Bị chống Tào, sai Chu Du, Trình Phổ và Lỗ Túc mang thủy quân tiến về phía tây để hội binh với Lưu Bị.[72]

Trong lúc Khổng Minh còn ở Sài Tang với Tôn Quyền, Lưu Bị phải đối mặt với nguy cơ mới từ phía Tào Tháo. Tào Tháo sau khi sắp đặt xong quân nhu ở Giang Lăng bèn trở lại truy kích Lưu Bị. Theo đề nghị của Lỗ Túc, Lưu Bị mang quân từ Hạ Khẩu về Phàn Khẩu để hội với Chu Du. Quân Tào ngày càng áp sát khiến Lưu Bị lo lắng, ngày ngày sai người ra giữ bến thuyền. Mấy ngày sau, viện binh của Chu Du đến nơi, Chu Du mời Lưu Bị sang doanh trại gặp mặt. Quan Vũ và Trương Phi lo cho ông gặp bất trắc khi một mình đến trại Chu Du, nhưng ông quả quyết phải tự mình đi gặp để kết giao đồng minh chống Tào. Vì vậy, ông một mình lên thuyền lớn ra đi. Các sử gia đánh giá rất cao hành động dũng cảm này của Lưu Bị và khẳng định rằng chính La Quán Trung mượn hình ảnh “một cát (thuyền) tới hội” với Chu Du của Lưu Bị làm mẫu để hư cấu việc sau này Quan Vân Trường “một đao tới hội” với Lỗ Túc (sau trận Xích Bích).[73]

Sợ quân Tào đông đảo, Lưu Bị hỏi số quân Ngô. Khi biết Chu Du chỉ có 3 vạn quân, Lưu Bị tỏ ý lo lắng, nhưng Chu Du đã trấn an ông và tin tưởng mình có thể đánh bại Tào Tháo.[74]

Liên minh hình thành, Chu Du đứng ra gánh vác trách nhiệm chính đương đầu với Tào Tháo. Hai bên đồng tâm cộng tác chống kẻ thù chung. Tháng 12 năm 208[34], Chu Du dùng hỏa công đốt thủy trại quân Tào ở Xích Bích, Ô Lâm,[75] đại phá quân Tào.

Trong khi quân Ngô tấn công, Lưu Bị cùng các tướng Quan, Trương, Triệu cũng chuẩn bị tác chiến, phối hợp tấn công, truy kích bại binh Tào Tháo. Do lực lượng ít, Lưu Bị tập trung quân vào 2 việc: một là bố trí lực lượng tự vệ phòng khi chiến dịch thất bại, hai là truy kích quân Tào. Với việc truy kích quân Tào, ông bố trí quân đón đánh ở Hoa Dung[f] là ngả đường Tào Tháo chạy từ Ô Lâm về Giang Lăng. Vì binh lực của Lưu Bị ít nên Tào Tháo vẫn đi thoát.[76] Theo sách Sơn Dương công tải ký, khi đến Hoa Dung, Tào Tháo đắc thắng cười Lưu Bị sao không biết phóng hỏa mai phục ở chỗ này. Sau đó quân Lưu Bị nổi lửa xông vào đánh giết nhưng quân Tào đã đi qua.[77]

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã hư cấu việc Quan Vũ tha cho Tào Tháo đi thoát ở Hoa Dung

Tranh đoạt Kinh châu với Tôn Quyền

Tào Tháo chạy thoát về Giang Lăng rồi đi Tương Dương, sau đó bố trí Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương, bản thân mình mang đại quân về bắc. Tôn Quyền và Lưu Bị bắt đầu chiến dịch đánh chiếm các thành trì thuộc Kinh châu mà Lưu Biểu để lại, quân Tào mới chiếm. Chu Du và Cam Ninh đóng quân ở Giang Hạ và phụ cận Giang Lăng, Lưu Bị đóng quân ở bờ nam sông Trường Giang đối diện với Giang Lăng. Lưu Bị đắp một tòa thành mới, gọi là thành Công An.[g] Theo kế của Gia Cát Lượng, ông đề nghị Chu Du tấn công nơi trọng yếu Giang Lăng. Chu Du mang đại quân cùng các tướng tấn công, giằng co với Tào Nhân nhiều ngày không phân thắng bại.[78][79]

Lưu Bị tôn Lưu Kỳ làm Thứ sử Kinh châu, trên danh nghĩa ông dâng biểu về Hứa Xương đề nghị Hán Hiến Đế cho Lưu Kỳ giữ chức vụ đó, không cần quan tâm tới phản ứng của Tào Tháo “nhân danh Hiến Đế” có chấp nhận hay không. Trong lúc Chu Du tác chiến với Tào Nhân ác liệt, Lưu Bị nhân danh Lưu Kỳ điều các tướng đi đánh chiếm 4 quận phía nam Kinh châu: Quan Vũ đánh Vũ Lăng và Trường Sa, Triệu Vân đánh Linh Lăng và Quế Dương.[80]

Quan Vũ khổ chiến ở Trường Sa, cuối cùng được tướng bản địa là Ngụy Diên hỗ trợ, đánh chiếm được thành, mang lão tướng Hoàng Trung – thủ hạ cũ của thái thú Hàn Huyền về theo Lưu Bị. Thái thú mới của Vũ Lăng là Kim Toàn do Tào Tháo bổ nhiệm nghe tin Trường Sa bị hạ bèn đầu hàng Lưu Bị. Triệu Vân sau khi dụ được thái thú Lưu Độ ở Linh Lăng đầu hàng tiếp tục đánh chiếm được Quế Dương, thái thú Triệu Phạm cũng quy hàng.[80]

Lưu Bị chiếm được 4 quận, trực tiếp quản lý quận Vũ Lăng, giao cho Gia Cát Lượng thay ông điều phối quân lương của 3 quận kia. Địa bàn của ông khi đó có 4 quận rưỡi (tính cả nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ), trị sở đặt tại thành Công An.[81]

Ít lâu sau, tướng Tào là Lôi Tự ở quận Lư Giang làm binh biến phản Tào, bị Hạ Hầu Uyên đánh bại, liền mang vài vạn người tới hàng. Những doanh trại cũ của Lưu Biểu ở phía bắc Kinh châu đã nghe theo lời chiêu dụ của Hoàng Trung và Ngụy Diên, lần lượt ly khai Tào Nhân, vượt qua Giang Lăng thuộc quyền cai quản của Chu Du để về theo Lưu Bị.[82]

Kết thân họ Tôn, “mượn Kinh châu”

Thế lực của Lưu Bị càng mạnh. Tuy nhiên, 4 quận địa bàn nam Kinh châu là những quận nghèo nhất,[83] và địa bàn nam Kinh châu chỉ có vai trò hậu cần, không đóng vai trò chiến lược trong việc thi hành Long Trung sách - tiến sang Ích châu và trung nguyên, do đó Lưu Bị và Gia Cát Lượng phải tính tới việc tiếp cận địa bàn các quận phía bắc Kinh châu.[84]

Chu Du khổ chiến với Tào Nhân suốt 1 năm, tới tháng 12 năm 209,[34] Tào Nhân theo lệnh của Tào Tháo bỏ thành Giang Lăng rút về Tương Dương củng cố lại phòng tuyến. Chu Du tiến vào chiếm giữ Giang Lăng,[78] được Tôn Quyền phong làm Thái thú Nam quận.

Trong năm 209, Lưu Kỳ yểu mệnh qua đời. Lưu Bị tự lập làm Kinh châu mục. Cam phu nhân vợ ông cũng qua đời. Tôn Quyền muốn củng cố liên minh với Lưu Bị, liền gả em gái cho ông. Khoảng giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 năm 210[34]), Lưu Bị cưới Tôn phu nhân tại núi Tú Lâm.[85]

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Tôn Quyền theo kế của Chu Du, không thực lòng muốn gả em gái, chỉ muốn mang em gái ra làm mồi nhử Lưu Bị sang Giang Đông để giam lỏng nhằm đoạt mấy quận Kinh châu. Nhưng Gia Cát Lượng tương kế tựu kế, giúp Lưu Bị cưới Tôn phu nhân mang về, khiến Chu Du phẫn uất thổ huyết. Đám cưới được mô tả diễn ra tại chùa Cam Lộ (Trấn Giang), có tham dự của Ngô quốc thái – mẹ kế Tôn Quyền.

Tôn phu nhân là con nhà võ, có tính dũng mãnh như mấy người anh, vì vậy cuộc sống vợ chồng mới của Lưu Bị không thật mặn mà.[86] Tôn phu nhân lại mang theo một đội quân hầu hạ, thường tự ý dắt lính tráng theo hầu diễu võ dương oai, phạm vào pháp luật. Lưu Bị bèn giao cho Triệu Vân giữ chức Tư mã ở Kinh châu, quản lý việc trong cung.[87]

Sau khi lấy em gái Tôn Quyền, ông dâng biểu về Hứa Xương tiến cử Tôn Quyền làm “Hành xa kỵ tướng quân, Từ châu mục”. Theo kế của Gia Cát Lượng, Lưu Bị đích thân sang Ngô quận gặp Tôn Quyền để đàm phán nhằm cai quản vùng Giang Lăng làm bàn đạp phát triển thế lực. Hai bên gặp nhau tại Kinh Khẩu thuộc Ngô quận, ông đề nghị họ Tôn cho mượn Nam quận, với danh nghĩa “mượn Kinh châu” để cùng chống Tào Tháo.[88]

Chu Du ở Giang Lăng (thuộc Nam Quận) nghe tin, bèn viết thư cho Tôn Quyền phản đối việc này, đề nghị giữ Lưu Bị lại, dùng mỹ nhân lung lạc, và ly cách với các mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi, điều hai tướng này đi chinh chiến để lợi dụng tài năng của họ. Nhưng Lưu Bị không bị lung lạc. Thấy Tôn Quyền khất việc cho “mượn Kinh châu”, ông bèn từ giã trở về Công An, lệnh cho Quan Vũ đóng quân đến gần Giang Lăng gây áp lực, buộc Chu Du phải ngày đêm lo phòng thủ dù đang dưỡng bệnh.[89]

Ít lâu sau, Chu Du qua đời, tiến cử Lỗ Túc lên thay. Vì Lỗ Túc ra sức thuyết phục Tôn Quyền hãy coi trọng liên minh Tôn-Lưu để chống Tào, Tôn Quyền bằng lòng với đề nghị “mượn Kinh châu”, tức là giao huyện Giang Lăng cho Lưu Bị.[90][91]

Lỗ Túc rút quân khỏi Giang Lăng, bàn cho Lưu Bị, đổi lại, Lưu Bị giao phần còn lại của Giang Hạ (mà ông mới tiếp quản từ Lưu Kỳ) cho Tôn Quyền. Địa bàn của Lưu Bị được mở lên phía bắc. Ông cắt mấy huyện phía tây Nam quận lập ra quận Nghi Đô, cho Trương Phi làm Thái thú.[92] Ông phong Quan Vũ làm thái thú Tương Dương, đóng đồn ở Giang Bắc, lại chuyển Trương Phi làm thái thú Nam quận.[93]

Cũng trong thời gian ở Kinh châu, với sự hỗ trợ của Gia Cát Lượng, ông thu nhận thêm sự phục vụ của nhiều nhân tài như Tưởng Uyển, Hách Phổ, Liêu Lập, Mã Lương, Mã Tốc, Trần Chấn… trong đó nổi bật nhất là Bàng Thống từ Đông Ngô sang.[94]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lưu_Bị http://tour.scol.com.cn/html/2005/07/001026_507494... http://www.culture.org.cn/info/info_detail.asp?bia... http://baike.baidu.com/subview/6213/7799424.htm http://www.britannica.com/EBchecked/topic/344481 http://www.trangnhahoaihuong.com/files/DeHieuThemT... http://www.yangtse.com/gb/content/2005-07/04/conte... http://id.loc.gov/authorities/names/n86088092 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00626800 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063650335 http://zh.wikisource.org/wiki/%E4%B8%89%E5%9C%8B%E...